Trường Mẫu giáo Long Hậu

BÀI TUYÊN TRUYỀN NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI TRẺ BỊ HÓC- SẶC

 
BÀI TUYÊN TRUYỀN
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI TRẺ BỊ HÓC- SẶC
 
Hầu hết các tình huống khiến trẻ bị hóc - sặc là do bố mẹ bất cẩn khi cho con ăn hoặc không để mắt khi trẻ nghịch ngợm cho đồ chơi vào miệng. Dấu hiệu nhận biết tình trạng bị hóc - sặc ở trẻ tương đối dễ thấy. Khi trẻ đang bú hoặc chơi đùa đột nhiên ngừng lại và ho sặc sụa, hai mắt trợn ngược và khó thở, thở dốc kèm da mặt tím tái, chân tay cứng đờ. Có trường hợp sẽ thấy xuất hiện nước (sữa, canh) trào ra từ mũi bé. Với các trường hợp bị nhẹ, trẻ có thể trở lại bình thường khi được xử trí kịp thời. Tuy nhiên trong một số trường hợp nặng, bé có thể bị ngưng thở và tử vong ngay sau đó.
1.Xử trí khi trẻ bị hóc – sặc:
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sặc sữa/cháo hay hóc dị vật, điều đầu tiên bố mẹ cần làm là hết sức bình tĩnh để có thể xử trí kịp thời, không để trẻ bị ngạt thở:
- Nếu thấy nước, cháo, sữa chảy ra từ mũi, miệng, mẹ cần hút thật nhanh và mạnh để thông đường thở cho con. Cần làm càng nhanh càng tốt để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng trẻ.
- Nếu trẻ vẫn nói hoặc khóc được: Hãy lập tức đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và gắp vật bị hóc ra. Trong lúc đó, hãy giữ nguyên trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bế, không can thiệp vì việc di chuyển có thể làm dị vật vào sâu thêm hoặc khiến trẻ ngưng thở đột ngột.
- Nếu trẻ có tình trạng khó thở nặng, hãy thực hiện ngay thao tác vỗ lưng hoặc ấn ngực để trẻ không bị ngạt thở. Phương pháp này áp dụng với trẻ dưới 2 tuổi. Đầu tiên, hãy giữ bé nằm úp mặt trên cánh tay, đầu thấp. Tay còn lại vỗ thật mạnh khoảng 5-7 cái vào lưng bé (chỗ giữa 2 xương bả vai) để gây áp lực đẩy dị vật ra ngoài.
Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, bố mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng 2 ngón tay ấn mạnh, nhanh và đột ngột vào nửa dưới của xương ức khoảng 3 giây 1 lần. Cách này sẽ tạo ra cơn ho nhân tạo ở bé giúp đẩy dị vật ra theo.
- Với trẻ trên 2 tuổi, bố mẹ có thể áp dụng phương pháp ép bụng (Heimlich). Để trẻ đứng thẳng và ôm bé từ phía sau, tay để ngang thắt lưng trẻ. Một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn liên tiếp thật mạnh theo hướng từ dưới lên trên.
- Trong trường hợp trẻ hôn mê, bố mẹ cần đặt bé nằm ngửa, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh.
Song song với tất cả các cách sơ cứu trên, cần liên hệ ngay với cấp cứu hoặc đưa trẻ vào bệnh viện.
2.Phòng tránh hóc – sặc ở trẻ nhỏ:
- Tai nạn hóc – sặc có thể xảy ra ở mọi tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, do vậy, dù ở gia đình hay nhà trường, các bậc phụ huynh cùng thầy cô cần hết sức chú ý và phòng ngừa tình trạng này ở trẻ.
- Khi cho trẻ bú, mẹ không nên đùa với bé hay hỏi chuyện, làm bé cười dễ gây sặc. Bế trẻ ở tư thế đúng, cao đầu và không nên gập hoặc ngửa cổ quá. Không để bé vừa bú vừa ngủ. Với trẻ ty bình, mẹ cần chọn núm vú thích hợp với độ tuổi, tránh trường hợp lỗ sữa quá to xuống nhiều khiến bé không kịp bú.
- Với bé tuổi ăn dặm, mẹ cần làm nhỏ thức ăn và chú ý tới các loại thực phẩm dạng tròn, trơn như: nho, thạch rau câu... Không nên ép bé ăn nhiều quá mức, không cho bé vừa ăn vừa chơi đùa, nói chuyện, chạy nhảy. Cho trẻ ăn miếng nhỏ và dừng ngay khi trẻ có biểu hiện ho khi đang ăn. Tuyệt đối không được áp dụng cách bịt mũi để bắt trẻ há miệng, nhất là với trẻ lười ăn.
- Điều quan trọng nhất là bố mẹ cần luôn để mắt tới trẻ. Ở tuổi này, trẻ thường rất thích bỏ đồ vật vào miệng. Vì vậy trong gia đình cũng như tại lớp học, mọi đồ vật cần phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt là với các loại đồ vật nhỏ, bố mẹ cần chú ý phải để xa tầm với của trẻ.